Điều chỉnh quy hoạch thành phố Vũng Tàu
Bản điều chỉnh quy hoạch thành Phố Vũng Tàu đến năm 2035 vừa được Thủ tướng phê duyệt. Theo đó toàn thành phố rộng 15.043 ha sẽ phân chia thành 7 khu vực, mục tiêu đến năm 2035 phát triển địa phương thành trung tâm kinh tế, văn hóa, dịch vụ công cộng và đầu mối giao lưu quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như vùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo quy hoạch mới, diện tích Vũng Tàu trong tương lai mở rộng hơn 1.000 ha so với quy hoạch cũ. 7 khu vực bao gồm khu đảo Long Sơn, Gò Găng, Bắc Phước Thắng, khu vực công nghiệp - cảng, khu đô thị hiện hữu, khu Bắc Vũng Tàu và khu phát triển du lịch ven biển Chí Linh - Cửa Lấp.
Trong đó riêng khu Chí Linh - Cửa Lấp sẽ phát triển khu hỗn hợp với các chức năng chủ yếu gồm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sân golf, khu dân cư đô thị, dịch vụ thương mại và các không gian mở công cộng, quảng trường biển . Các khu vực gắn liền với không gian biển ưu tiên phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, quảng trường và không gian mở dành cho cộng đồng.
Tổng diện tích đất khu này khoảng 1.114 ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1034 ha, tỷ trọng quỹ đất phát triển du lịch, dịch vụ thương mại và quảng trường biển chiếm tối thiểu 50% diện tích đất xây dựng đô thị hỗn hợp trong khu vực. Quy mô dân số tối đa khoảng 45.000 người.
Sự phát triển của hạ tầng giao thông
Phục vụ quy hoạch trong vòng 15 năm tới, thành phố Vũng Tàu đã công bố loạt dự án quy mô lớn tăng tính kết nối của địa phương với TP HCM và các vùng lân cận. Ước tính có 20 công trình hạ tầng với tổng mức đầu tư gần một tỷ USD sẽ dần thành hình trong tương lai. Trongđó có đường Cầu Cháy, Hàng Điều, Nguyễn Hữu Cảnh, Thống Nhất nối dài... Các dự án phát triển cảnh quan, điểm vui chơi công cộng của thành phố cũng sẽ được khởi công như Công viên Bàu Trũng, Công viên Bàu Sen và dải công viên du lịch ven biển Bãi Sau, đường Thùy Vân.
Ngoài các công trình nội đô, hàng loạt các đại dự án nghìn tỷ kết nối thành Phố Vũng Tàu với các vùng kinh tế trọng điểm như Quốc lộ 51 mở rộng lên 6 làn xe, giải quyết tình trạng kẹt xe và giúp việc di chuyển từ TP HCM đến Vũng Tàu chỉ mất khoảng hơn một tiếng. Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu cũng đang đẩy nhanh tiến độ mở rộng lên 4-6 làn xe. Đây là dự án trọng điểm để phát triển cảng biển, du lịch, giải tỏa thế độc đạo của Quốc lộ 51 đến Bà Rịa - Vũng Tàu.
Về đường hàng không, ngoài sân bay Côn Đảo, thời gian tới tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến đầu tư thêm hai sân bay là Hồ Tràm và Gò Găng, khoảng cách giữa hai sân bay chưa tới 30km. Sân bay Long Thành cùng tuyến cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu khởi công cũng sẽ giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng du lịch cho Vũng Tàu.
Những công trình này khi hoạt động sẽ góp phần giúp Vũng Tàu tăng cường thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Cùng với quy hoạch mới được duyệt, hàng loạt các công trình hạ tầng tỷ đô sẽ triển khai, tạo ra đòn bẩy tăng trưởng mạnh mẽ, giúp Vũng Tàu "thay da đổi thịt" trong vài năm tới.
Sức hút với các nhà đầu tư
Bản quy hoạch mới mở đường cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng mạnh mẽ tại Vũng Tàu. Trong thời gian gần đây, địa phương được đánh giá là nhân tố mới trên bản đồ bất động sản nghỉ dưỡng cả nước khi tiềm năng phát triển còn rộng mở, chưa có nhiều tổ hợp nghỉ dưỡng quy mô lớn phục vụ nhu cầu du khách quốc tế.
Đứng trước tiềm năng khai thác lớn, nhiều chủ đầu tư đã rót vốn mạnh vào thị trường này, trong đó phải kể đến tổ hợp căn hộ du lịch 5 sao của Tập đoàn bất động sản An Gia, dự án dọc Bãi Trước của Tập đoàn Tuần Châu, dự án mở rộng Làng du lịch Bình An của Tập đoàn Nguyễn Hoàng...