Một góc Khu đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ Bàu Bàng, nơi thu hút nhiều doanh nghiệp và giới kinh doanh bất động sản đổ vốn đầu tư
Vị trí chiến lược, hạ tầng và công nghiệp phát triển nhanh đồng thời giá đất còn thấp là những nguyên nhân đang giúp huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, thu hút sự chú ý của giới đầu tư bất động sản.
Từ đầu năm 2019 đến nay, giao dịch bất động sản tại đây trở nên rất sôi động.
Thời điểm "chuyển mình"
Bàu Bàng nằm ở phía Bắc tỉnh Bình Dương, kết nối trực tiếp với TP.HCM, Đồng Nai, Bình Phước… thông qua hệ thống hạ tầng giao thông đã và đang được Nhà nước quan tâm phát triển.
Nổi bật nhất là quốc lộ 13 kết nối đại lộ Bình Dương xuyên suốt đến trung tâm TP.HCM, quốc lộ 14, đường Vành đai 3, Vành đai 4 và đại lộ huyết mạch Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, đường Hồ Chí Minh, ĐT 240, ĐT 741…
Hiện nay, thời gian di chuyển từ Bàu Bàng về TP.HCM chỉ khoảng 40 -50 phút, khoảng cách lý tưởng cho việc phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung.
Trong tương lai, khi có thêm các tuyến cao tốc Chơn Thành (Bình Phước) – TP.HCM và Chơn Thành – Đức Hòa (Long An) thì việc di chuyển còn thuận lợi hơn nữa.
Điều này giải thích vì sao hàng loạt khu công nghiệp lớn đang được phát triển ở Bàu Bàng và khu vực lân cận như khu công nghiệp Bàu Bàng (997,74 ha), khu công nghiệp Cây Trường (700 ha), khu công nghiệp Lai Hưng (600 ha)...
Bản đồ quy hoạch khu công nghiệp và đô thị huyện Bàu Bàng
Chưa hết, bao quanh Bàu Bàng là hàng loạt đô thị mới được quy hoạch hiện đại như thành phố mới Bình Dương, thị xã Bến Cát, thị xã Tân Uyên và thành phố Đồng Xoài (Bình Phước)…
Tất cả hợp thành chuỗi đô thị hiện đại đáp ứng nhu cầu đô thị hóa, cung cấp nhà ở, dịch vụ, hàng hóa, vui chơi giải trí cho lực lượng lao động đã và sẽ đến làm việc trong các khu công nghiệp.
Theo giới kinh doanh bất động sản, việc phát triển hạ tầng và giao thông phía Bắc của tỉnh Bình Dương đã mang lại nhiều lợi thế cho Bàu Bàng. Bởi cùng với đó, Bàu Bàng trở thành "viên kim cương" phát lộ nhiều tiềm năng về phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại…
Ngay cả tiềm năng du lịch của Bàu Bàng cũng được nhiều nhà đầu tư "nhòm ngó" như dự án hồ Từ Vân 1 và 2… Điều này sẽ mang lại cơ hội lớn cho lĩnh vực bất động sản bởi ở đâu giao thông và công nghiệp phát triển sẽ thu hút dân cư đến sinh sống, giúp thị trường bất động sản phát triển tốt.
Tiềm năng phát triển rất lớn
Các chuyên gia nhận định, với vị trí chiến lược và hạ tầng phát triển nhanh, tiềm năng phát triển của Bàu Bàng vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, việc tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp phía Bắc là cơ hội hiếm có để Bàu Bàng thành lập các khu công nghiệp quy mô lớn, thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Hiện nay, khu công nghiệp Bàu Bàng đã hoàn thiện 70%, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã đi vào hoạt động ổn định và hiệu quả. Dân cư cũng tập trung về đây sinh sống nhộn nhịp song song với sự nở rộ của các cơ sở giáo dục, y tế, thương mại – dịch vụ…
Thống kê cho thấy, trên địa bàn Bàu Bàng đang có hơn 600 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỉ USD. Từ nay đến năm 2025, Bàu Bàng vẫn tiếp tục ưu tiên phát triển hạ tầng, giao thông và thu hút dân cư... để hoàn thiện diện mạo đô thị.
Với tốc độ phát triển như 5 năm qua, dự báo trong khoảng 5 năm tới, Bàu Bàng sẽ bắt kịp các địa phương lân cận như Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, Lái Thiêu… chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp – dịch vụ, qua đó đưa thị trường bất động sản thành kênh hút vốn quan trọng.
Cụ thể, đến năm 2020, Bàu Bàng có năm khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 3.298 ha, chưa kể các cơ sở nằm ngoài các khu công nghiệp có diện tích khoảng 175 ha.
Hành lang phát triển công nghiệp và đô thị của Bàu Bàng sẽ trải dọc theo quốc lộ 13 với chuỗi đô thị Bến Cát – Bàu Bàng, Chơn Thành... và hệ thống khu công nghiệp tập trung Mỹ Phước – Bàu Bàng – Nam Chơn Thành. Ngoài ra, một số khu công nghiệp cũng sẽ bám theo trục Vành đai 5 từ thị xã Tân Uyên qua Phú Giáo – Bàu Bàng.
Để hỗ trợ cho phát triển công nghiệp, chính quyền Bàu Bàng sẽ nỗ lực đầu tư hệ thống giao thông nối liền các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, các công trình đầu mối giao thông liên vùng để khai thác tốt nhất thế mạnh của địa phương.
Đáng chú ý là các dự án đầu tư xây dựng đường Mỹ Phước – Bàu Bàng, đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng; nâng cấp đường ĐT 749A, đường ĐT 749C, đường ĐT 741B…
Như vậy, có thể hình dung trong tương lai gần, Bàu Bàng sẽ khoác lên mình một diện mạo mới với nhiều đột phá về phát triển giao thông, thu hút đầu tư vào công nghiệp, thương mại – dịch vụ. Đây chính là yếu tố kích thích dòng vốn đầu tư đang ồ ạt đổ vào Bàu Bàng kể từ đầu năm 2019 đến nay.